Cách làm rượu nếp cẩm truyền thống được nhiều bà nội trợ hiện đại tìm kiếm để có thể tự làm cho gia đình, giúp đảm bảo vệ sinh an toàn sức khỏe.
Rượu nếp cẩm được ủ kĩ sẽ lên men đều, có vị ngọt của gạo nếp cẩm, có vị cay cay của men rượu chính là thành phẩm đáp ứng được yêu cầu trong quan niệm xưa của cha ông ta. Theo phong tục, với món rượu nếp cẩm như vậy, các loại sâu bọ, mầm bệnh trong cơ thể con ngươi sẽ bị tiêu diệt hết, sức khỏe của mọi người được đảm bảo.
Mục Lục
Sau đây là cách làm rượu nếp cẩm hấp dẫn tại nhà cho các bà nội trợ
Nguyên liệu
Gạo nếp cẩm: 500gr
Men ngọt: 1,5 cái
Lá chuối/ lá sen hoặc giấy bạc
Cách làm rượu nếp cẩm đơn giản nhất
Bước 1: Ngâm gạo nếp cẩm trong nước từ 8 – 10 tiếng. Để tiết kiệm thời gian bạn có thể để qua đêm và không mất công chờ đợi. Cũng giống như cách nấu xôi, việc ngâm gạo như vậy sẽ giúp gạo nếp cẩm mềm ra và khi nấu nhanh chín hơn.
Bước 2: Vo sạch gạo nếp cẩm, nhặt bỏ các hạt bị hỏng, hạt thóc còn sót lại rồi cho vào nồi cơm điện, thêm nước xăm xắp mặt gạo và bật nút cook. Nếu nước cạn mà gạo chưa chín mềm, bạn có thể cho thêm nước sôi và nhấn nút cook lần nữa.
Ngâm gạo nếp cẩm qua đêm rồi nấu chín cơm bằng nồi cơm điện
Bước 3: Cơm nếp cẩm chín, bạn xới ra đĩa to hoặc mâm và dàn mỏng cơm ra cho nhanh nguội.
Bước 4: Làm men trong lúc chờ cơm nguội bằng cách cạo hết lớp vỏ trấu và vỏ nâu ở ngoài men rồi cho men vào cối giã thành bột mịn.
Giã nhỏ men rồi rây qua một lượt để lấy được phần bột mịn nhất
Bước 5: Cho men vào rây rồi rắc đều lên mặt cơm nếp cẩm đã nguội. Lấy đũa hoặc đeo bao tay để trộn đều men với gạo. Sau đó, bạn gói kín cơm vào trong lá chuối/lá sen hoặc giấy bạc đã đục một vài lỗ.
Rắc đều men lên cơm nếp cẩm đã nguội
Bước 6: Đặt vào nồi cơm điện một chiếc đĩa sâu hoặc bát nhỏ rồi để gói cơm lên trên, đậy kín vung và ủ trong 2 ngày. Đây là khoảng thời gian cơm sẽ tiết ra nhiều nước và có mùi thơm của men rượu đặc trưng.
Cơm rượu nếp cẩm sau khi đã ủ và có thể ăn cùng sữa chua hoặc nấu xôi, chè
Lưu ý: Nếu không muốn rượu nếp cẩm lên men thêm vì khi ăn có thể dễ say hơn, bạn có thể lấy ra để cho vào ngăn mát tủ lạnh bảo quản.
Rượu nếp cẩm này bạn có thể ăn không hoặc ăn cùng sữa chua và thạch.
Đây là một món ăn cung cấp cho chúng ta nhiều calo để hoạt động trong ngày nhưng bạn không nên ăn quá nhiều vì nó gây cảm giác no lâu, khó chịu. Rượu nếp cẩm tốt cho tim mạch, hệ tiêu hóa, làm đẹp da… nên bạn có thể sử dụng đều đặn mỗi ngày với khối lượng vừa phải (Khoảng 2 – 3 thìa cơm rượu nếp cẩm và ăn kèm sữa chua để có được hiệu quả tốt nhất).
Bình luận